Số thẻ ATM với số tài khoản ngân hàng là gì? Chúng có những đặc điểm gì khác nhau, nên sử dụng chúng trong những trường hợp giao dịch tài chính như thế nào? Đây cũng chính là những câu hỏi thắc mắc của rất nhiều người khi đang sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng.
Có rất nhiều người vẫn đang nhầm lẫn giữa số thẻ ATM với số tài khoản ngân hàng và thật sự bối rối trong việc phân biệt cũng như sử dụng. Trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ những khái niệm về số thẻ ATM, số tài khoản ngân hàng là gì, phân biệt hai dãy số này, cách sử dụng chúng an toàn.
Giới thiệu chung về số thẻ ATM và số tài khoản ngân hàng
Cả số thẻ ATM và số tài khoản ngân hàng đều được bảo vệ bởi các phương thức bảo mật cao như mã PIN hoặc mật khẩu, đảm bảo an toàn cho tiền của bạn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau và không nên nhầm lẫn khi sử dụng trong các giao dịch tài chính.
Số thẻ ATM là gì
Số thẻ ATM là một số định danh duy nhất được cấp phát bởi ngân hàng và in nổi trên thẻ ATM của bạn. Số này gồm 16 hoặc 19 chữ số và được sử dụng để xác minh danh tính khi bạn thực hiện các giao dịch tài chính như rút tiền, kiểm tra số dư tài khoản và chuyển khoản qua máy ATM. Để bảo vệ tiền của bạn, số thẻ ATM thường được kích hoạt và bảo vệ bởi một mã PIN mà bạn được yêu cầu nhập vào mỗi khi sử dụng.
Số thẻ ATM còn được sử dụng để mua sắm trực tuyến hoặc thanh toán các dịch vụ khác mà ngân hàng của bạn cung cấp, tùy theo chính sách của từng ngân hàng. Để sử dụng số thẻ ATM, bạn cần đăng ký tài khoản với ngân hàng và làm thủ tục cấp thẻ. Nếu bạn mất mát thẻ hoặc tin rằng số thẻ ATM của mình bị trộm, hãy liên hệ với ngân hàng của bạn và yêu cầu chặn số thẻ đó ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho tài khoản của bạn.

Cấu trúc của thẻ ngân hàng ATM:
Mã số thẻ ATM là một chuỗi số được in nổi trực tiếp trên thẻ ngân hàng. Thông thường, thẻ ATM có 16 hoặc 19 chữ số. Những chữ số này được tổ chức thành 4 phần, mỗi phần đại diện cho một đặc điểm theo quy định:
- 4 chữ số đầu tiên: Mã ấn định của nhà nước, hay còn được gọi là mã BIN(Bank Identification Numbers).
- 2 chữ số tiếp theo: Mã ngân hàng.
- 4 chữ số tiếp theo: Số CIF(Customer Information File) của khách hàng.
- Những chữ số còn lại được sử dụng để phân biệt tài khoản của mỗi khách hàng.
Ví dụ: Số thẻ ATM của ngân hàng Vietcombank là 9704 36 68 12345678 111, thì:
- Số 36 là mã thẻ ngân hàng Vietcombank
- 12345678 là số CIF của khách hàng
- 111 là dãy số ngẫu nhiên phân biệt các tài khoản của một khách hàng.
Hầu như các ngân hàng tại Việt Nam đều áp dụng số ấn định được nhà nước ban hành gọi là số BIN, mở đầu bằng 9704.
Một số mã BIN của các ngân hàng
Vietcombank | 9704 36 |
BIDV | 9704 18 |
Đông Á | 9704 06 |
MaritimeBank | 9704 26 |
MBBank | 9704 22 |
TPBank | 9704 23 |
VPBank | 9704 32 |
Eximbank | 9704 31 |
VIB | 9704 41 |
Hiện tại thì các ngân hàng cũng đang áp dụng phát hành thẻ ATM vật lý và phi vật lý để thuận tiện cho nhu cầu của khách hàng. Bạn có thể tham khảo thêm về Phân biệt thẻ vật lý và phi vật lý để hiểu thêm về những loại hình thẻ ngân hàng.
Ngoài ra với sự phát triển của công nghệ thì cũng đã có những ngân hàng phát hành thẻ đa năng tích hợp nhiều tiện ích trong cùng một thẻ. Trên mặt thẻ cũng không có in số thẻ ATM như thẻ thông thường mà chỉ là hình hoa văn trang trí cùng con chip điện tử.
Số tài khoản ngân hàng
Số tài khoản ngân hàng là một chuỗi các ký tự và số được sử dụng để định danh và phân biệt tài khoản ngân hàng của mỗi cá nhân với nhau. Số tài khoản ngân hàng cá nhân bao gồm các thông tin như mã số chi nhánh, số tài khoản và mã số ngân hàng.
Số tài khoản ngân hàng được cung cấp bởi ngân hàng khi khách hàng mở tài khoản và là một thông tin quan trọng để thực hiện các giao dịch tài chính như chuyển khoản, nhận tiền hay thanh toán hóa đơn. Mỗi số tài khoản ngân hàng cá nhân là duy nhất và không trùng lặp với số tài khoản của người khác.
Tùy từng ngân hàng mà sẽ có những quy định về cấu trúc số tài khoản khác nhau. Có ngân hàng quy định 9 số, những ngân hàng khác lại quy định số tài khoản gồm 8 chữ số hay 9, 12, 13, 14 hoặc 15 số. Ví dụ: Ngân hàng Vietcombank, Agribank có số tài khoản 13 số. Ngân hàng Vietinbank, Sacombank, Đông Á Bank có số tài khoản gồm 12 số. BIDV có số tài khoản gồm 14 số, Bắc Á Bank có số tài khoản gồm 15 số…
Hiện tại thì các ngân hàng cũng cung cấp cho khách hàng đăng ký số tài khoản theo sở thích như theo số điện thoại, ngày sinh, phong thuỷ, lựa chọn theo yêu cầu,…
Phân biệt số thẻ ATM và số tài khoản ngân hàng

- Tính duy nhất: Số thẻ ATM là định danh duy nhất của thẻ ATM của bạn, trong khi số tài khoản ngân hàng là định danh duy nhất của tài khoản ngân hàng của bạn.
- Số chữ số: Số thẻ ATM có 16 đến 19 chữ số trong khi đó số tài khoản ngân hàng có từ 6 đến 15 chữ số tuỳ thuộc vào mỗi ngân hàng.
- Mục đích sử dụng:
- Số thẻ ATM được sử dụng cho các giao dịch tại máy ATM, thanh toán online khi mua sắm, chuyển nhận tiền(cũng có nhiều ngân hàng chưa cho phép). Liên kết hoặc nạp tiền vào ví điện tử(momo, Zalopay, VNPay,..)
- Trong khi số tài khoản ngân hàng được sử dụng cho các giao dịch tài chính bằng hình thức khác như chuyển khoản, nhận tiền, thanh toán hoá đơn.
Cách chuyển tiền
Với thẻ ATM
Để thực hiện việc chuyển tiền qua số thẻ ATM, bạn có thể đến trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng, sử dụng dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking hoặc sử dụng cây ATM của ngân hàng mở thẻ. Quá trình chuyển tiền tương tự như khi thực hiện chuyển khoản bằng số tài khoản ngân hàng. Để tránh sai sót không đáng có, bạn cần nhập đúng số thẻ ATM của người nhận tiền. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách chuyển tiền qua số thẻ ATM:
Bước 1: Bạn đến gần cây ATM thuộc ngân hàng mở thẻ của mình.
Bước 2: Nhập mã PIN (còn được gọi là mật khẩu của thẻ ATM).
Bước 3: Chọn mục “Chuyển tiền” hoặc “Chuyển khoản” > Chọn tùy chọn “Chuyển trong ngân hàng” hoặc “Chuyển sang ngân hàng khác”.
Bước 4: Nhập số thẻ ATM của người nhận tiền. Màn hình sẽ hiển thị tên tài khoản và thông tin của người nhận để bạn kiểm tra tính chính xác.
Bước 5: Nhập số tiền cần chuyển.
Bước 6: Hệ thống sẽ hiển thị thông tin về giao dịch, bạn kiểm tra lại thông tin và nhập mã PIN để xác nhận.
Bước 7: Hệ thống thông báo giao dịch thành công, lúc này bạn nhận lại thẻ sau khi giao dịch hoàn tất.
Tùy thuộc vào từng ngân hàng, bạn có thể phải chịu một khoản phí khi thực hiện việc chuyển tiền qua số thẻ ATM.

Với số tài khoản
Việc chuyển tiền với số tài khoản cũng có thể thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch hoặc thực hiện trên app của ngân hàng. Thực hiện trên app thì có các bước như sau
Bước 1: đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng trên điện thoại
Bước 2: tìm đến mục chuyển tiền
Bước 3: chọn ngân hàng muốn chuyển đến(có những ngân hàng sẽ yêu cầu chọn chuyển trong hoặc ngoài hệ thống)
Bước 4: Nhập thông tin số tài khoản người thụ hưởng, hệ thống sẽ tự động tra vấn thông tin và thể hiện họ tên người thụ hưởng theo số tài khoản đã nhập.
Bước 5: Nhập số tiền và nội dung chuyển khoản(viết không dấu)
Bước 6: Nhập mã PIN, mã OTP để xác nhận
Sau khi chuyển thành công bạn sẽ thấy giao diện xác nhận đã chuyển tiền thành công.

Lưu ý
Tránh nhầm lẫn số thẻ và số tài khoản khi giao dịch: Cần kiểm tra thông tin thật kỹ trước khi xác nhận thanh toán, chuyển tiền. Nếu hệ thống hiển thị thông tin sai, kiểm tra xem bạn có nhầm lẫn giữa số thẻ (16 hoặc 19 số) và số tài khoản ngân hàng (6 – 15 số) hay không.
Không phải ngân hàng nào cũng chuyển tiền bằng số thẻ ATM được: Trên thực tế, chỉ có những ngân hàng thuộc hệ thống Napas mới có thể chuyển tiền qua số thẻ ATM cho nhau. Hiện nay, có 27 ngân hàng tại Việt Nam thuộc hệ thống này, đó là:
Vietcombank, Vietinbank, Agribank, ACB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, MBBank, VIB, VPBank, SHB, HDBank, TPBank, Ocean Bank, LienVietPostBank, ABBank, VietABank, BacABank, BaoVietBank, Navibank, OCB, GPBank, MHB, Hongleong Bank, SeaBank, PGBank, DongABank.
Nên chuyển tiền bằng thẻ hay số tài khoản
Với sự phát triển đáng kể của ngành ngân hàng điện tử, việc thực hiện giao dịch chuyển tiền qua số tài khoản đã trở nên phổ biến và tiện lợi hơn đối với đa số khách hàng. Tuy nhiên, người dùng cũng có thể lựa chọn các phương thức chuyển tiền linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân một cách tốt nhất cũng như thuận tiện nhất.
ATM | Số tài khoản | |
Ưu điểm | Chỉ cần có số thẻ là người dùng đã có thể chuyển được tiền dễ dàng; Chuyển khoản cho số thẻ khác hệ thống vẫn có thể nhận được tiền nhanh chóng chỉ sau vài phút | Dễ dàng thực hiện |
Nhược điểm | Không phải tất cả ngân hàng đều hỗ trợ chuyển tiền qua số thẻ. | Chuyển tiền khác ngân hàng theo hình thức chuyển thường sẽ mất thời gian để tài khoản thụ hưởng nhận được tiền hơn. |
An toàn khi sử dụng

- Bảo mật: Cả thẻ ATM và số tài khoản ngân hàng đều cần phải được bảo mật để đảm bảo an toàn cho các giao dịch của bạn. Sử dụng mã PIN hoặc mật khẩu để bảo vệ số thẻ ATM và số tài khoản của bạn.
- Cẩn trọng với những trang web giả mạo có thể đánh cắp thông tin số thẻ nếu bạn vô tình nhập vào dẫn tới mất tài sản.
- Không để lộ số thông tin: Không sử dụng số thẻ ATM và số tài khoản ngân hàng của bạn ở những nơi công cộng hoặc để lộ số thông tin của bạn cho bất kỳ ai.
- Liên hệ ngân hàng khi bị mất thẻ hoặc số tài khoản: Nếu bạn mất thẻ hoặc tin rằng số thẻ hoặc số tài khoản ngân hàng của bạn bị lộ ra bên ngoài, bạn cần liên hệ ngay với ngân hàng của bạn để khóa tài khoản và đổi lại thông tin mới.
Sử dụng đúng và đảm bảo an toàn cho số thẻ ATM và số tài khoản ngân hàng sẽ giúp bạn có những giao dịch tài chính an toàn và hiệu quả.
Kết luận
Trên đây là toàn bộ thông tin về số thẻ ATM và số tài khoản ngân hàng, cách phân biệt những dãy số này. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách dùng của hai dãy số quan trọng trên để việc giao dịch được thuận tiện, chủ động và nhanh chóng.